Trĩ nội là bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn. Bệnh hình thành do sự co giãn quá mức thành tĩnh mạch và khối cơ hậu môn gây ra. Nếu đang gặp vấn đề với trị nội, bạn có thể tham khảo những kiến thức sau đây để tìm ra biện pháp điều trị thích hợp nhất.

1. Thế nào được gọi là trĩ nội?

Trĩ nội là tình trạng búi trĩ xuất hiện phía trên đường đám rối trực tràng (đường lược). Bề mặt của trĩ nội là thành niêm mạc hậu môn. Ở giai đoạn đầu, trĩ nội thường không có nhiều dấu hiệu triệu chứng, tuy nhiên nếu không điều trị, búi trĩ sẽ lan rộng, thò ra thụt vào hậu môn gây ngứa ngáy, đau rát, xuất huyết.

2. 4 cấp độ của bệnh trĩ nội và biểu hiện

Trĩ nội được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng. Tùy vào mức độ của bệnh trĩ sẽ có những dấu hiệu, biểu hiện khác nhau.

  • Trĩ độ 1: Ở giai đoạn này trĩ mới hình thành ở phía trong thành hậu môn. Hiện tượng chảy máu ra bồn cầu hoặc xuất hiện máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh khi đi cầu là dấu hiệu đặc trưng của trĩ độ 1. Thông thường trĩ nội độ 1 không gây đau rát, tuy nhiên ngứa ngáy hậu môn sẽ xuất hiện sau mỗi lần đi đại tiện.
  • Trĩ độ 2: Giai đoạn này máu xuất hiện nhiều hơn. Sau mỗi lần đi cầu búi trĩ bị sa ra ngoài nhưng sẽ tự thu lên được. Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm thấy đau rát, khó chịu, ngứa ngáy nhiều hơn ở vùng hậu môn.
  • Trĩ độ 3: Ở giai đoạn 3 trĩ nội trở nên trầm trọng hơn. Búi trĩ sa ra ngoài nhưng không tự thu vào được. Người bệnh phải dùng tay đẩy búi trĩ mới thu vào trong. Thêm vào đó, trĩ độ 3 có thể gây xuất huyết, đau rát ngay cả khi không đi cầu.
  • Trĩ độ 4: Búi trĩ sa hắn ra bên ngoài mà không thể đẩy vào bên trong được. Người bệnh sẽ bị xuất huyết, đau rát do vùng hậu môn bị viêm nhiễm, tổn thương. Thông thường ở giai đoạn này các bác sĩ phải tiến hành can thiệp ngoại khoa khi điều trị bệnh.

3. Nguyên nhân gây bệnh trĩ nội

Căn nguyên gây ra bệnh trĩ nội là sự gia tăng áp lực quá mức lên hệ tĩnh mạch, khối cơ vùng hậu môn. Hệ tĩnh mạch bị phồng giãn từ đó hình thành các búi trĩ. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nội:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn uống thiếu khoa học, ăn thiếu chất xơ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra táo bón, tiêu chảy. Nếu những hiện tượng này kéo dài sẽ khiến thành hậu môn tổn thương và hình thành các búi trĩ.
  • Tính chất công việc ngồi lâu, đứng lâu, làm việc nặng: Ngồi lâu, đứng lâu, lao động nặng sẽ làm tăng áp lực ổ bụng khiến giãn phồng tĩnh mạch hậu môn gây ra bệnh trĩ. Chính vì lý do này mà tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở đối tượng nhân viên văn phòng thường cao hơn rất nhiều những đối tượng khác.
  • Căng thẳng mệt mỏi: Stress quá mức làm rối loạn tuần hoàn máu. Khi đó hệ tĩnh mạch vùng hậu môn bị giãn phồng liên tục làm tăng nguy cơ tổn thương và hình thành búi trĩ.
  • Các vấn đề về tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón kéo dài sẽ bào mòn thành hậu môn kiến khối cơ và tĩnh mạng trong thành hậu môn bị căng phồng và xuất hiện búi trĩ.
  • Do sự gia tăng áp lực vùng bụng ở các đối tượng như phụ nữ mang thai, người có khối u ổ bụng,..

4. Bệnh trĩ nội có nguy hiểm không?

Trĩ nội được đánh giá là phức tạp và khó điều trị hơn trĩ ngoại do búi trĩ nằm sâu bên trong hậu môn. Nếu trĩ nội không được chữa trị sớm để bệnh tiến triển nặng sẽ gây đau đớn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Một số nguy cơ mà người bệnh phải đối mặt nếu để trĩ nội trở nặng.

  • Đau rát, ngứa ngáy, viêm loét vùng hậu môn. Dịch tiết do bị viêm nhiễm gây ra mùi khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng sống làm người bệnh mất tự tin trong sinh hoạt hằng ngày.
  • Hệ tĩnh mạch bị sưng phồng do búi trĩ có thể cản trở sự lưu thông máu dẫn đến viêm loét thậm chí hoại tử vùng hậu môn.
  • Cuộc sống, công việc bị giảm sút, đảo lộn do các triệu chứng của bệnh trĩ gây ra. Những cơn đau rát, xuất huyết làm tăng áp lực tâm lý khiến người bệnh khổ sổ, khó chịu.

5. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ nội

Trĩ nội thường dễ điều trị nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên nếu để bệnh trở nặng thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Dưới đây là một số phương pháp điều trị đang được áp dụng với bệnh trĩ.

5.1. Sinh hoạt và ăn uống khoa học

Ở giai đoạn đầu của trĩ nội, các triệu chứng của bệnh thường khá nhẹ và tương đối dễ điều trị. Điều chỉnh chế độ ăn uống là vô cùng cần thiết để khắc phục bệnh lý. Ăn uống khoa học giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm áp lực lên vùng tĩnh mạch từ đó giúp điều trị hiệu quả trĩ nội. Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt sẽ giúp tăng cường hệ tuần hoàn, ngăn ngừa hiệu quả trĩ nội quay trở lại.

5.2. Điều trị trĩ nội bằng thuốc

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, điều trị bằng thuốc là phương pháp thường được áp dụng đối với trĩ nội độ 2 trở lên. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống để cải thiện tình trạng bệnh. Thuốc thường là loại giảm đau, thuốc đặt hậu môn, thuốc bôi… Việc sử dụng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh việc điều trị bằng Tây y, người bệnh trĩ có thể áp dụng các bài thuốc thiên nhiên để tăng thêm hiệu quả điều trị bệnh.

5.3. Sử dụng thủ thuật

Tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại..: Đây là những phương pháp ngoại khoa thường được áp dụng cho trĩ nội độ 3. Các kỹ thuật này giúp ngăn chặn sự phát triển và biến chứng của trĩ nội. Dù được đánh giá là khá hiệu quả, tuy nhiên do đây là các phương pháp can thiệp ngoại khoa nên thường gây đau sau khi điều trị.

5.4. Phương pháp ngoại khoa

Treo trĩ, phẫu thuật longo, khâu treo triệt mạch trĩ: Đối với bệnh nhân trĩ độ 4, các bác sĩ có thể sẽ phải tiến hành biện pháp như phẫu thuật, treo trĩ… để điều trị. Nguyên nhân là do trĩ đã nằm ở bên ngoài và không thể thu vào trong được nên can thiệp ngoại khoa là phương pháp tối ưu để điều trị triệt để.

6. Một số biện pháp phòng ngừa trĩ nội

Bệnh trĩ nội dù là bệnh thường gặp ở vùng hậu môn nhưng lại không quá khó để chúng ta có thể phòng tránh. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh bệnh.

  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, nhiều chất xơ: Ăn uống khoa học giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, khỏe mạnh là biện pháp phòng tránh bệnh trĩ một cách tốt nhất. Hãy sử dụng những thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, tăng cường hệ miễn dịch, tuần hoàn máu để giữ thành mạch hậu môn bền, khỏe từ đó phòng tránh trĩ nội một cách hiệu quả.
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp cho phân mềm, giảm áp lực tác động lên vùng hậu môn, giữ cho hậu môn luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa hình thành búi trĩ.
  • Đi cầu ngay khi buồn, không rặn khi đi cầu: Hãy đi cầu ngay khi cảm thấy buồn để phòng ngừa bệnh trĩ. Nguyên nhân là do nhịn đi cầu sẽ làm phân cứng hơn, gây gia tăng áp lực, tổn thương lên thành mạch hậu môn khi đi đại tiện. Thêm vào đó thói quen rặn khi đi cầu cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trĩ.
  • Không ngồi lâu hoặc đứng quá lâu: Đứng lâu hoặc ngồi quá lâu làm tăng áp lực lên khối cơ thành hậu môn và tăng nguy cơ mắc trĩ nội. Do đó những người có công việc ngồi một chỗ nên đứng dậy đi lại, vận động nhẹ sau một khoảng thời gian ngồi hoặc đứng để phòng tránh trĩ nội.
  • Tập thể dục, thể thao thường xuyên: Thể dục thể thao giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện hệ miễn dịch từ đó ngăn ngừa hiệu quả các bệnh lý trong đó có trĩ nội.

>> Xem thêm: Thầy thuốc ưu tú, BS Phạm Hưng Củng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế sẽ tư vấn cách đẩy lùi bệnh trĩ an toàn, hiệu quả TẠI ĐÂY.

Quân Mr