Kẽm là một loại khoáng chất vi lượng cần thiết đối với con người. Trong cơ thể chúng ta có từ 2g – 4g kẽm, phân bổ ở nhiều bộ phận khác nhau như: tuyến tiền liệt, mắt, não, cơ, xương, gan, thận…
Kẽm có vai trò tác động tới hầu hết những quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein,…
1. Những vai trò chính của kẽm đối với sức khỏe
- Phát triển và cải thiện não bộ đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
- Hỗ trợ phát triển xương khớp. Bởi ngoài canxi thì kẽm cũng là một nguyên tố cấu tạo nên xương. Do đó, bổ sung kẽm sẽ giúp xương được phát triển toàn diện.
- Điều hòa hoạt động các tuyến nội tiết như: tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục,… Đặc biệt ở nữ giới, chất kẽm còn giúp làm đẹp da, điều hòa kinh nguyệt.
- Thúc đẩy quá trình hấp thu và chuyển hóa các chất như: canxi, đồng, magie, mangan,.. cùng một số enzym khác trong cơ thể. Đồng thời loại khoáng chất này cũng giúp làm chậm quá trình oxy hóa tế bào, hạn chế gây độc cơ thể.
- Tham gia vào quá trình phát triển của thai nhi.
- Tăng cường sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch.
- Kẽm còn được phân bổ vào tóc, da, móng giúp những bộ phận này phát triển khỏe mạnh hơn.
2. Kẽm giúp kích thích sự phát triển của tế bào miễn dịch
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, sự có mặt của kẽm trong cơ thể sẽ giúp các vết thương được hàn gắn nhanh hơn, làm chậm lại sự thoái hóa của giác mạc do tuổi tác. Không những vậy, chúng còn kích thích sự phát triển của một số tế bào miễn dịch (lympho bào B và T, đại thực bào). Từ đó, tạo nên “hàng rào” vững chắc để bảo vệ cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng.
Các nhà khoa học chuyên ngành Y tại Đại học Helsinki, Phần Lan đã có một cuộc nghiên cứu về khả năng kẽm tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh cúm. Cụ thể, họ đã thử nghiệm bổ sung thêm 75mg kẽm vào chế độ ăn uống hàng ngày của 13 bệnh nhân tình nguyện tham gia. Kết quả cho thấy tình trạng bệnh và thời gian mắc cúm của những người này giảm khoảng 42% so với bệnh nhân không được bổ sung thêm kẽm.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác tại Mỹ đã chứng minh rằng bổ sung kẽm sẽ giúp cơ thể chúng ta có khả năng chống lại khoảng 200 loại virus gây ra cảm lạnh, cúm thông thường.
Thông thường, một ngày mỗi người cần bổ sung trung bình 10mg kẽm. Tuy nhiên, chế độ ăn uống hàng ngày có thể không cung cấp đủ lượng kẽm cần thiết. Hoặc do bạn mắc một số bệnh lý khiến hàm lượng kẽm bị giảm. Khi bị thiếu hụt kẽm, cơ thể sẽ có những triệu chứng như: tóc dễ gãy rụng, móng tay, móng chân giòn, dễ gãy và có đốm trắng, mụn hoặc các vấn đề khác trên da, rối loạn chức năng nội tiết tố, gây rối loạn hoạt động…
Vậy chúng ta cần làm gì để bổ sung kẽm đầy đủ, hiệu quả mỗi ngày giúp tăng sức đề kháng? Cơ thể con người không dự trữ kẽm. Do đó, bạn cần bổ sung kẽm từ nguồn thức ăn hàng ngày. Một số thực phẩm giàu kẽm đó là: các loại hạt (đậu, ngô, lúa mì,…), thịt đỏ, động vật có vỏ (tôm, sò, hàu, hến,…), rau quả, nấm,…
Nếu mắc một số bệnh lý như: bệnh Crohn, bệnh xơ nang, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh gan,… thì bạn cần chữa trị chúng. Bởi các bệnh này chính là một trong các nguyên nhân khiến cơ thể thiếu hụt kẽm.
Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp sử dụng một số loại sản phẩm kẽm (viên kẽm, ống kẽm), sản phẩm có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi, đối tượng sẽ có nhu cầu hàm lượng kẽm khác nhau. Vì vậy, khi dùng những sản phẩm này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dùng đúng liều lượng để đạt hiệu quả nhất.
Khi biết được tầm quan trọng của kẽm đối với tăng sức đề kháng cho cơ thể, chúng ta sẽ có những cách bổ sung dưỡng chất này khoa học, phù hợp.